Giáo viên bắt đầu bằng cách giúp trẻ phát triển nhận thức qua các khía cạnh sau:
- Hướng dẫn trẻ nhận biết được các bộ phận trên cơ thể, các đồ vật trong nhà, các loại rau quả,…
- Giúp trẻ nhận biết các con số, chữ cái.
- Dạy trẻ về các hiện tượng thời tiết.
- Giúp trẻ nhận biết và phân biệt các loài động vật.
Dưới đây là một trong những hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ ở lứa tuổi mầm non, đó là hoạt động làm quen với Toán. Ở hoạt động này giáo viên sẽ thông qua các chủ đề mà bé học ở trường để cho trẻ làm quen với Toán, nhận biết số, đếm số, thêm bớt cũng như tạo nhóm có số lượng theo yêu cầu. Nhất là trẻ ở độ tuổi 5-6 tuổi. Hoạt động làm quen với toán là một hoạt động đặc biệt quan trọng gắn liền với sự phát triển toàn diện ở trẻ. Các hoạt động phát triển nhận thức nói chung và hoạt động cho trẻ làm quen với toán nói riêng là những hoạt động mang tính cứng nhắc, khô khan. Vì vậy, để đạt được hiệu quả trong việc hình thành các biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm non đòi hỏi phải có biện pháp đổi mới, sáng tạo, linh hoạt hình thức tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với toán. Làm thế nào để cho trẻ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, không bị gò ép, phù hợp với nhận thức và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ ở lứa tuổi 5-6 tuổi là vấn đề vô cùng quan trọng.
Toán học góp phần phát triển toàn diện cho trẻ: Phát triển trí tuệ, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, góp phần hình thành khả năng nhận thức thế giới xung quanh trẻ, rèn luyện các thao tác tư duy, phát triển, thúc đẩy các quá trình tâm lý và phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Quá trình hình thành các biểu tượng toán học cho trẻ mầm non là quá trình hình thành ở trẻ những kiến thức sơ đẳng về tập hợp, con số, phép đếm, kích thước, hình dạng của các vật, khả năng định hướng không gian, thời gian và mối quan hệ giữa các đại lượng dưới sự tổ chức, hướng dẫn của cô giáo. Việc hình thành các biểu tượng toán học cho trẻ còn có tác dụng hình thành ở trẻ những khả năng tìm tòi, quan sát, thúc đẩy sự phát triển tư duy, phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Đặc điểm nhận thức của trẻ 5-6 tuổi là nhận thức bằng cảm tính, tư duy trực quan hình tượng là chủ yếu, vì vậy trẻ nhận biết các biểu tượng sơ đẳng về toán thông qua hoạt động và nhờ vào sự tham gia của các giác quan: Mắt nhìn, tai nghe, tay cầm, nắm để nhận xét, giải thích. Qua hoạt động, các giác quan của trẻ được huy động để nhận biết, làm thử, so sánh, phân biệt. Trong quá trình cảm nhận, ở trẻ hình thành những biểu tượng về các sự vật, hiện tượng, về những đặc điểm và mối quan hệ giữa các sự vật hiện tượng, như khi thao tác với các tập hợp đa dạng, trẻ học được cách thiết lập mối liên hệ số lượng giữa các tập hợp và học cách phản ánh các mối liên hệ đó bằng các từ: Nhiều hơn, ít hơn, bằng nhau. Sự hình thành những biểu tượng về tập hợp ở trẻ cùng với việc trẻ nắm kỹ năng so sánh độ lớn các tập hợp là cơ sở để trẻ lĩnh hội những mối quan hệ số lượng, cơ sở để trẻ hiểu con số và nắm được quy luật của dãy số tự nhiên, đó là những kiến thức trừu tượng, phản ánh mối liên hệ và quan hệ số lượng của mọi sự vật và hiện tượng xung quanh trẻ.
Với tầm quan trọng như vậy vừa qua tôi đã tổ chức giờ học phát triển nhận thức cho trẻ 5 tuổi A1 lớp tôi, hoạt động làm quen với toán với đề tài “Đếm đến 9, nhận biết số 9, thêm bớt trong phạm vi 9”, học sinh lớp tôi vô cùng hứng thú và tích cực học tập.
Qua hoạt động và các trò chơi với số trong tiết học trẻ sẽ hứng thú và thích học toán hơn trước. Giúp trẻ có đủ những kĩ năng và điều kiện cần khi bước chân vào lớp 1.