Dị vật đường thở là trường hợp những dị vật có thể là chất rắn, lỏng thông thường trong cuộc sống xâm nhập vào đường hô hấp qua mũi, qua miệng rơi xuống từ thanh quản đến phế quản. Hóc dị vật có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng nhiều nhất là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi. Xử lý đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi trẻ bị hóc dị vật là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ, mà điều quan trọng là do sự lơ là, chủ quan, thiếu kiểm soát của người lớn: Trẻ còn nhỏ rất tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và bỏ vào miệng tất cả những gì rơi vào tầm tay; Trẻ ăn uống khi đang khóc hoặc đùa giỡn khi có thức ăn trong miệng; Trẻ ăn thức ăn dễ hóc, không phù hợp với từng lứa tuổi. Bé chưa có răng hàm nên không thể nhai và nghiền nát hoàn toàn các mẩu thức ăn cứng. Việc nhai và nuốt cũng chưa thuần thục (quả có hạt như nhãn, chôm chôm, loại hạt cứng, thạch rau câu, hạt trân châu...). Đặc biệt vào thời điểm hè các loại quả có hạt cứng phụ huynh cho trẻ sử dụng không cẩn thận rất dễ dẫn đến tình trạng bị hóc.
Dị vật đường thở rất nguy hiểm. Dị vật kích thước lớn có thể di chuyển từ vùng hầu họng xuống đến khí phế quản gây bít cả đường thở trên dẫn tới ngạt thở, sau đó tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Với các dị vật nhỏ hơn, tùy theo kích thước hoặc hình dáng có thể vào sâu trong khí quản, phế quản gốc hoặc các phế quản thùy phổi, gây ho, khó thở, khò khè giống hen suyễn.
Trẻ bị hóc dị vật biểu hiện thế nào?
Trẻ đang bú, đang ăn hoặc đang chơi đột nhiên lên cơn ho sặc sụa, mặt đỏ và/ hoặc tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức, ý thức trẻ lịm dần...
Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn có thể ngưng thở ngay lập tức, tiếp đó hôn mê và tử vong.
Những sai lầm thường gặp phải trong sơ cứu hóc dị vật
Nhiều bậc phụ huynh mắc sai lầm khi sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật, khiến tình trạng của trẻ không giải quyết được mà còn nặng hơn như:
Nhiều phụ huynh mất bình tĩnh để nhận định có phải trẻ bị hóc dị vật đường thở không? Thiếu kiến thức về xử trí sơ cứu không đúng cách khi trẻ bị hóc dị vật.
Cố gắng lấy tay hoặc các vật khác vào miệng trẻ để móc dị vật ra: có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.
Sử dụng một số mẹo dân gian như: cho trẻ nuốt cơm, hoa quả,...điều này có thể khiến tình trạng hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn.
Vuốt xuôi ngực: Mỗi khi trẻ sặc hay nghẹn, nhiều bậc phụ huynh vuốt ngực cho trẻ, đây là cách làm sai vì có thể làm dị vật chui sâu hơn vào đường thở.
Nên làm gì khi trẻ hóc dị vật?
Nếu bệnh nhân tỉnh táo và có thể ho: Khuyến khích trẻ tiếp tục ho và không thực hiện các biện pháp nào khác. Lưu ý các can thiệp thêm như vỗ lưng, ép bụng và ép ngực có thể gây các biến chứng nguy hiểm và làm cho nạn nhân bị nghẹt thở hơn.
Nếu nạn nhân có dấu hiệu tắc nghẽn đường thở nặng và vẫn tỉnh táo, các chuyên gia trên thế giới thống nhất khuyến nghị cách tiếp cận “năm và năm”, tức 5 lần vỗ lưng và 5 lần ép bụng để sơ cấp cứu. Ở trẻ em, có thể đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc hai đùi của người lớn và vỗ lưng.
- 5 lần vỗ lưng
Đứng sang một bên và phía sau lưng nạn nhân. Đặt một cánh tay ngang ngực của người đó để hỗ trợ. Gập người để phần thân trên song song với mặt đất.
Dùng phần lòng bàn tay (phần thịt) vỗ 5 lần mạnh, dứt khoát vùng giữa hai xương bả vai. Quan sát xem sau mỗi lần vỗ dị vật đã rơi ra ngoài hay chưa.
Mục tiêu của việc vỗ lưng là chỉ cần sau 1 lần vỗ, dị vật rơi ra ngoài; do vậy không cần vỗ đủ 5 lần khi dị vật đã được tống ra ngoài.
- 5 lần ép bụng
Đứng ngay sau lưng bệnh nhân. Đặt một chân hơi trước chân kia để giữ thăng bằng. Vòng tay ôm eo bệnh nhân và quỳ xuống phía sau trẻ.
Một tay nắm lại thành nắm tay (nắm đấm) và đặt lên vùng bụng phía trên rốn của nạn nhân.
Tay kia nắm lấy nắm tay. Dùng cả thân người giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên. Động tác này làm tăng áp lực trong lồng ngực giúp tống dị vật ra ngoài. Cần thực hiện động tác nhanh và dứt khoát.
Thay phiên giữa 5 lần vỗ lưng và 5 lần ép bụng cho đến khi dị vật được đánh bật ra ngoài.
Nếu trẻ bị hôn mê, bất tỉnh khi tắc dị vật đường thở, người lớn cần đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn mạnh vào dưới xương ức của trẻ từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật rơi ra hoặc đợi cấp cứu tới.
Các biện pháp phòng ngừa.
Trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò khám phá và chưa nhận thức được những nguy hiểm rình rập, vì vậy người lớn luôn cần để trẻ trong tầm quan sát của mình. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp phòng ngừa cất đặt đồ đạc nguy cơ thành dị vật đường thở xa tầm tiếp cận của trẻ:
Đồ chơi
- Để bóng bay (đã thổi căng hoặc chưa thổi) ngoài tầm tay của trẻ.
- Để đồ chơi nhỏ (ví dụ như đồ chơi xếp hình Lego, giầy dép của của búp bê Barbie...) xa tầm tay. Nhắc anh chị của bé tuân thủ quy định.
- Không cho bé chơi với những thứ đồ chơi có thể tháo rời. Luyện cho trẻ thói quen không cho vào miệng ngậm mút.
Đồ đạc trong nhà
- Không để cúc áo và các loại pin trong tầm tay của trẻ.
- Khóa những ngăn tủ chứa vật dụng nhỏ mà trẻ có thể với tới.
Phòng ngừa sặc thức ăn
- Luôn cho trẻ ngồi một chỗ khi ăn.
- Không bao giờ ép trẻ ăn, uống khi đang khóc, chạy nhảy hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng, vì như vậy trẻ có thể bị nghẹn.
- Động viên trẻ ăn từ từ và nhai kỹ. Đảm bảo đúng chế độ ăn uống theo lứa tuổi của trẻ.
- Không cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, kẹo dẻo chip chip, hạt trân châu...
Trẻ nên được hướng dẫn cách nhai kỹ thức ăn và tránh la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc khi ăn. Để xa tầm tay trẻ những
vật dụng hay những mảnh đồ chơi nhỏ. Khi trẻ có biểu hiện hóc dị vật, sau khi thực hiện các bước cấp cứu tại nhà, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay, để được xử trí kịp thời.